Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương nhưng anh Nguyễn Trọng Duy (44 tuổi) lại chọn mảnh đất tại thôn 2, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông làm nơi xây dựng kinh tế mới, quyết tâm làm giàu bằng nghị lực phi thường dù hai chân bị dị tật bẩm sinh.
Quyết tâm làm giàu dù liên tục gặp khó khăn, thất bại
Xuất phát điểm với muôn vàn khó khăn, con đông, ít ruộng nên năm 2004 anh Duy đặt mục tiêu phải làm giàu thành công trên quê hương thứ hai của mình. Mặc dù bản thân bị tàn tật nhưng anh luôn cần mẫn, chịu thương chịu khó tăng gia sản xuất. Tuy vậy cuộc sống vẫn gặp muôn vàn khó khăn do anh chưa thật sự có kinh nghiệm và nắm bắt kỹ thuật nuôi trồng.
Chỉ đến khi được tham gia sinh hoạt hội và các hoạt động do Hội Nông dân xã Quảng Tâm, chi hội tổ chức, anh Duy mới tiếp cận được nhiều thông tin, được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Tại đây, anh còn được các hội viên trong chi hội chia sẻ nhiều về những cách làm hay trong sản xuất, phát triển kinh tế… Cũng từ đây, anh bắt đầu có nhiều ý tưởng và quyết tâm sẽ thực hiện thành công các mô hình kinh tế để cuộc sống gia đình được ấm no, con cái được học hành tốt hơn.

Anh Duy chia sẻ: “Bước đầu tôi bàn với vợ mạnh dạn đầu tư trồng khoai lang, nhưng kết quả mang lại không như mong muốn, do thời điểm thu hoạch giá cả xuống thấp nên bị thua lỗ. Không chịu thua trước thất bại ban đầu, tôi lại một lần nữa bàn với gia đình bằng mọi cách phải quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương thứ hai này… Tôi đem tâm tư, nguyện vọng của mình tâm sự, trao đổi cùng hội viên trong chi hội và may mắn được các anh chị, em động viên và tổ tiết kiệm vay vốn ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho vay vốn hộ nghèo để chăn nuôi bò”.

Thời gian đầu công việc làm ăn của gia đình tôi rất thuận lợi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn niềm vui của các gia đình vụt tắt khi bị dịch bệnh lỡ mồm long móng bùng phát tại địa phương, việc chăn nuôi bò đành phải bỏ dở. Hụt vốn sản xuất, chán nản vì công việc làm ăn không mấy suôn sẻ. Nhưng nhờ sự động viên của vợ, con, anh, chị em trong chi hội, và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội nông dân xã Quảng Tâm tôi tiếp tục mạnh dạn vay vốn để sản xuất.
Lần này tôi lặn lội lên Đà Lạt và một số tỉnh khác nữa để học hỏi kinh nghiệm. Từ những chuyến đi, đến thăm nhiều mô hình sản xuất nhưng điều khiến tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất là các mô hình trồng hoa lay ơn lấy củ hiệu quả, ít bị rủi ro mà mang lại thu nhập cao” – anh Duy tâm sự.
Trong những lần đi thực tiễn đó, anh Duy đã được các chủ trang trại chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm, cách làm, tư vấn về cách chọn con giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc bò lai Sind, … những vật nuôi gần gũi, thích nghi được với điều kiện thời tiết của địa phương mình; phù hợp với các loại thức ăn sẵn có như: cỏ, ngô, khoai, mì,…
Thành quả từ những tháng ngày gian khổ
Sau những chuyến đi như vậy, anh Duy quyết định vay thêm vốn của Ngân hàng nông nghiệp, để xây dựng trang trại chăn bò lai Sind, ngan, gà,… trồng hoa lay ơn lấy củ giống xuất bán cho Đà Lạt; trồng khoai, tiêu, cà phê…
Tổng diện tích trang trại hiện nay của anh Duy lên đến 10 ha. Trong đó 0,3 ha chăn nuôi bò, gà; 1,5 ha trồng cà phê; 2 ha trồng tiêu, 1 ha trồng bơ, 1 ha trồng sầu riêng, 4,2 ha luân canh trồng hoa lay ơn, khoai lang, chanh dây…
Hiện tại gia đình anh Duy có thu nhập hàng năm đạt trên 1,2 tỷ đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí. Mô hình sản xuất, đa cây, đa con của gia đình anh đã đứng vững được trong tình hình giá cả cà phê, tiêu xuống thấp. Theo đó, hàng năm gia đình anh Duy còn giải quyết việc làm cho 10 đến 15 lao động thời vụ và thường xuyên với mức lương trung bình là 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngôi nhà khang trang của gia đình trên địa bàn thôn 2 xã Quảng Tâm
Ngoài ra, anh Duy còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ bà con, hội viên nông dân về kiến thức… Đồng thời cho một số hội viên vay vốn để mua mua vật tư phân bón với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng với lãi suất thấp…
Anh Duy cũng năng nổ tham gia các phong trào hoạt động của Hội nông dân và các đoàn thể trong thôn, xã; tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Đáng chú ý, vào năm 2019 anh Duy còn hiến 900m2 đất ngay đầu cầu suối sập, đất mặt đường trung tâm của thôn để xây dựng hội trường thôn 2 với trị giá hàng trăm triệu đồng làm nơi hội họp, sinh hoạt chung cho nhân dân trong thôn.

Khu đất gia đình anh tặng thôn xây dựng hội trường
Với những thành tích đạt được, anh nông dân khuyết tật Nguyễn Trọng Duy đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Anh Nguyễn Trọng Duy nông dân thôn 2 xã Quảng Tâm người thứ 4 từ bên phải sang.
Anh cũng được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, anh Duy cũng được đề cử bình chọn là một trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” lần thứ 9 năm 2021.