Sáng 22/10, UBND huyện Tuy Đức tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS”.

Theo ông Hồ Văn Cẩm trưởng phòng y tế huyện, việc lựa chọn giới tính khi sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại Việt Nam, năm 2000, tỷ số MCBGTKS ở mức bình thường nhưng từ năm 2006 có biểu hiện tăng dần. Đặc biệt, năm 2018 là năm có tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước đến nay (115,1 nam/100 nữ) và hiện nay xu hướng này đang tiếp tục gia tăng.

Tại Tuy Đức, tuy chưa là điểm nóng nhưng có những năm vượt mức cân bằng. Cụ thể, năm 2018 là 117 nam/100 nữ. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 – 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Theo đó, sẽ gây bất ổn về an toàn trật tự tại cộng đồng, gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác. Mất cân bằng giới tính khi sinh còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Các ngành, các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về hiểm họa của Mất cân bằng giới tính; phê phán mạnh mẽ những hủ tục, thái độ và hành vi trọng nam; nêu gương gia đình có hai con là gái thành đạt, hạnh phúc. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh DS không chỉ cho người dân mà còn cả đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ; nghiêm cấm “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”; duy trì mức sinh thay thế và thích ứng với già hóa DS”.

Sau lễ phát động, các đại biểu tham gia mít tinh hưởng ứng Chiến dịch truyền thông kiểm soát MCBGTKS trên các trục đường chính thuộc trung tâm xã Đăk Buk So đến trường THCS Đăk Buk So./.