Trong hệ thống chính quyền các cấp, chính quyền cơ sở xã có vai trò, vị trí và ý nghĩa rất quan trọng trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước vào thực tiễn đời sống xã hội, là nơi trực tiếp phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khai thác tiềm năng tại chỗ ở địa phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vì vậy, cải cách hành chính đối với chính quyền cấp xã là vấn đề cần được quan tâm và chú trọng. Việc triển khai thực hiện phải đồng bộ trên tất cả 6 nhiệm vụ từ cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Cải cách thể chế giúp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương một cách hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đạt hiệu quả cao; cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới tổ chức và hoạt động, cải tiến phương thức quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo hướng chuyên nghiệp và phục vụ dân; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, công chức tránh sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của địa phương, xây dựng mối quan hệ công tác với cấp uỷ, Hội đồng nhân dân và các tổ chức chính trị- xã hội cùng cấp và các cơ quan nhà nước cấp trên; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác đảm bảo hoàn thành chức trách nhiệm vụ với nhiều hình thức như giáo dục tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức; cải cách tài chính công, thực hiện tốt quy định phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, bảo đảm quyền quyết định ngân sách cấp xã của Hội đồng nhân dân xã theo luật định; từng bước thực hiện khoán chi quản lý hành chính theo quy định, xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu tài chính, quy chế sử dụng và quản lý tài sản và một số quy chế khác liên quan; hiện đại hóa hành chính là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và xử lý công việc; trang bị máy móc, phương tiện làm việc…Để thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trên phải có sự lãnh đạo sát sao của Đảng uỷ, sự kiểm tra giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể, thiết thực trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Huyện Tuy Đức có 6 đơn vị cấp xã. Là một huyện biên giới đường xá đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng xác định được chính quyền cấp xã giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong những năm qua huyện Tuy Đức luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính của cấp xã. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, công tác cải cách hành chính tại các xã đã có sự chuyển biến tích cực. Qua kiểm tra thực tế tại một số đơn vị cấp xã cho thấy, các đơn vị đều ban hành văn bản để cụ thể hóa các văn bản cải cách hành chính của cấp trên; văn bản quy phạm pháp luật do cấp xã ban hành chất lượng ngày càng cao; thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, thống kê đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và được niếm yết công khai tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch; cơ chế một cửa được duy trì hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính cơ bản kịp thời, đúng quy định tạo được sự đồng tình ủng hộ của người dân, doanh nghiệp; chức năng nhiệm vụ được phân công cụ thể, rõ ràng, đúng với chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công chức nên giải quyết công việc ngày một hiệu quả; trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức ngày được nâng cao và chuẩn hóa theo quy định; công nghệ thông tin được ứng dụng trong giải quyết công việc.
Thời gian tới, ngoài sự nỗ lực, trách nhiệm của từng đơn vị trong thực hiện cải cách hành chính thì cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cấp trên về đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức phụ trách công tác cải cách hành chính, cán bộ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả./.