Thứ ba, 03/10/2023
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử huyện Tuy Đức

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945-19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945-02/9/2023)

Liên kết là tất yếu trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Đăk Nông

Đoàn Lê Anh Chia sẻ:

 Thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông cho thấy nông dân gặp hàng loạt khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản… mặc dù đã được các cấp các ngành quan tâm như tổ chức các cuộc hội thảo kết nối cung cầu, tổ chức hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm. Nhưng những khó khăn ấy đã có một số hợp tác xã, hộ cá thể nêu ra. Trong đó, nhấn mạnh tới sự chậm đổi mới trong cơ chế chính sách của Nhà nước. Kinh phí hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là kinh phí đầu tư trực tiếp cho sản xuất còn thấp. Việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khâu tổ chức tiêu thụ chưa tốt do thiếu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thiếu thương hiệu…trong sản xuất mạnh ai nấy làm, sản xuất nhỏ lẻ, làm theo phong trào, làm theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật.

Trước những rào cản đối với sản xuất nông nghiệp Đăk Nông được đề ra ở trên, thì chúng ta cần phải nhìn nhận lại để đưa ra các giải pháp thực tại và tương lai.Trong thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm có sản lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Nông dân cá thể không thể làm được điều này.

Du khách tham mô hình cà phê dây của HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An, Đăk Mil. ảnh internet

Nông dân phải có hành động tập thể, làm theo quy trình sản xuất chung cho từng vùng sán xuất. Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản chế biến và thương mại của nông dân được thiết lập trên cơ sở yêu cầu hợp đồng của doanh nghiệp, của thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa…Đây chính là các yếu tố để nông dân xây dựng sự liên kết giữa nông dân với nông dân hay nói cách khác nông dân cần có “hành động tập thể”.

Hàng hóa nông sản cần được xác định rõ về số lượng, chất lượng đối với từng thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cung ứng; xác định rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và số lượng sản phẩm nông sản trong sản xuất. Yêu cầu chất lượng của thị trường phải làm căn cứ cơ bản để xây dựng quy trình kỹ thuật cho các mô hình liên kết.

Để có thể liên kết lại chỉ có cách là Nông dân vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Tuy nhiên, trong tư tưởng và tâm lý một bộ phận nông dân vẫn còn ngán ngại mô hình hợp tác xã kiểu cũ nên kiên quyết không tham gia mô hình liên kết mới. Ngoài ra, một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn yếu về năng lực và trình độ nên chất lượng tham mưu văn bản chính sách và tính chủ động còn hạn chế. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Sự phối hợp của các ngành, các cấp, các đoàn thể ở địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ hợp tác xã thiếu chặt chẽ…

Vậy làm thế nào để nông dân liên kết với nhau? Sản xuất tập trung, trong tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất do được cơ giới hóa, do việc mua cung, bán chung các sản phẩm đầu vao, đầu ra. Không chỉ vậy, nông dân cũng được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất từ các hội viên, xã viên khác… Từ đó gắn kết giữa nông dân và nông dân ngày càng bền chặt. Để làm được điều này chúng ta cần xây dựng mô hình hợp tác xã điểm để nông dân học tập, phải làm cho nông dân “mắt thấy, tai nghe” và quan trọng nhất là phải đặt mục tiêu lợi nhuận của nông dân lên hàng đầu. Điều này có nghĩa, lợi ích hành động tập thể mang lại phải lớn hơn lợi ích của hành động riêng lẻ do từng cá nhân quyết định. Lợi ích của việc liên kết là cùng thực hiện sản xuất theo quy trình, trên một diện tích lớn nên sẽ đạt tính kinh tế quy mô; giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch; tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh; nâng cao năng lực về tổ chức và kiến thức nhờ vào sự chia sẻ kinh nghiệm trong nhóm; chia sẻ rủi ro. Liên kết giữa nông dân với nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Chỉ như vậy, nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng.

Ngoài việc liên kết giữa nông dân với nông dân trong sản xuất để cung cấp một sản phẩm đủ lớn cho thị trường còn rất cần sự liên kết nông dân với doanh nghiệp.

Việc liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới là một khía cạnh, là yếu tố đẩy.. trong mô hình liên kết. Mô hình này cần yếu tố kéo.., chính là thị trường tiêu thụ đầu ra mà hoạt động cốt lõi là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói. Có nghĩa là ngay bản thân các doanh nghiệp cũng không tiếp cận tới được người tiêu dùng thông qua thương hiệu của mình. Vì vậy, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mang tính thời vụ, không ổn định. Những doanh nghiệp này cũng không thể liên kết với nông dân được. Họ không có các yếu tố ổn định để liên kết với nông dân về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro. Do vậy, xây dựng vùng sản xuất lớn, nông dân chỉ nên liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hoặc liên kết với những doanh nghiệp chứng minh được họ đã liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa nào đó trong các khía cạnh về chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Quy hoạch vùng nguyên liệu cũng là vùng thành lập hợp tác xã, trang trại sản xuất tập trung một loại nguyên liệu, theo quy trình đạt chất lượng VietGAP hoặc GlobalGAP. Điểm cơ bản và cốt lõi của các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp chính là xây dựng các mối liên kết ngang “nông dân với nông dân” để thực hiện hành động tập thể và liên kết dọc “nông dân với doanh nghiệp” để xây dựng kênh phân phối mới của các tác nhân trong chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường hiệu quả nhất dựa trên nguyên tắc các bên tham gia bình đẳng, cùng có lợi.

Trong các mô hình liên kết, liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp chưa thể hình thành nên một mô hình phát triển ổn định và bền vững. Ở đây còn có rất nhiều mắt xích trong chuỗi sản xuất nông sản liên kết lại với nhau để hình thành nên mối liên kết “6 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối. Liên kết “6 nhà” để đáp ứng các điều kiện cần và đủ xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Các điều kiện “cần” gồm: Cần có sự nhận thức, chỉ đạo thống nhất của các cấp lãnh đạo từ tỉnh, các ban ngành đến các địa phương. Cần có liên kết “6 nhà” mà nhà doanh nghiệp là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết. Cần tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Cần có các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết và rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học… Các điều kiện đủ, gồm: Phải có đủ diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí. Phải có đủ 6 nhà cùng thực hiện liên kết nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các hợp đồng sản xuất. Trong đó, chủ yếu là nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng thực hiện trong 1 dự án – có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành sản phẩm hạ chi phí đầu vào… của nhà khoa học. Bên cạnh đó, phải có đủ máy móc, kho bãi phục vụ chăm sóc, thu hoạch phù hợp với quy mô diện tích, sản lượng của từng vùng liên kết.

   

Nguồn tin: Đoàn Lê Anh – chủ tịch Hội nông dân huyện
Nguồn tin: Đoàn Lê Anh
Kỷ niệm 20 Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông  (01/01/2004 – 01/01/2024)
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945-19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945-02/9/2023)
Ứng dụng DakNong-C

           Bản đồ

           Học tập Bác

           truy cập nhanh

           Liên kết

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945-19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945-02/9/2023)