Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 2 thông qua vào ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật quy định về phòng và chống bạo hành gia đình ở Việt Nam, các vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Trên thực tế ở Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều nơi, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng có chiều hướng tăng cao, tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người xảy ra hàng ngày chủ yếu đối với phụ nữ và trẻ em.
Sau 10 năm huyện Tuy Đức triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình đến nay trên địa bàn huyện đã có những khởi sắc rõ rệt, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, không chỉ phát huy vai trò vị trí của từng cá nhân trong gia đình, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước nói chung, mà giúp cho mọi người dân thực hiện tốt Luật PCBLGĐ, Luật bình đẳng giới, các kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc. Theo báo cáo từ năm 2008 đến nay có 135 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ chiếm tới 109 vụ; Các vụ bạo lực chủ yếu là bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần. Một nguyên nhân dẫn đến hậu quả bạo lực xảy ra thường xuyên là người bị bạo lực không dám báo với cơ quan chính quyền để can thiệp xử lý, mà giấu đi nổi đau bị hành hạ mà chính người thân trong gia đình gây ra vì lo giữ thể diện cho mình, gia đình và người thân tạo điều kiện cho nạn bạo lực gia đình tồn tại và gia tăng, chỉ đến khi hậu quả quá nghiêm trọng mới được phát hiện thì đã quá muộn. Thực tế trên địa bàn huyện; để đẩy lùi BLGĐ, mỗi cá nhân và cả cộng đồng cùng chung tay góp sức của xã hội và cộng đồng, chị em phụ nữ cũng cần nhận thức rõ vai trò tự cứu mình. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt Hội phụ nữ, thì tác nhân gây bạo lực gia đình cần được giáo dục và đi đến nhận thức được rằng nạn bạo hành gia đình là vấn đề mang tính xã hội. Không nên coi đây là chuyện riêng tư của từng gia đình mà đó là vấn nạn bức xúc của xã hội. Vì thế, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Bên cạnh đó, rất cần những mái nhà chung, những địa chỉ tin cậy để giúp người bị BLGĐ tìm đến lánh nạn và được khuyên nhủ tư vấn nhằm giúp họ yên tâm đoàn tụ với gia đình.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian qua UBND huyện chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu các văn bản. Hướng dẫn các xã thành lập các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các nhóm phòng chống Bạo lực gia đình, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững…Hiện nay trên địa bàn có 14 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 12 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, 10 câu lạc bộ gia đình không bạo lực…Tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyên chuyên đề hôn nhân gia đình, trao đổi kinh nghiệm về công tác gia đình, họp thôn, bon, bản để tuyên truyền nội dung phòng chống Bạo lực gia đình. Đối tượng của các buổi tuyên truyền này không chỉ là phụ nữ mà có cả nam giới. Hướng dẫn và triển khai thu thập chỉ số gia đình để kịp thời nắm bắt tình hình gia đình tại cơ sở và tổ chức họp mặt, biểu dương khen thưởng các gia đình điển hình tiên tiến về phòng, chống bạo lực gia đình xây dựng gia đình ấm no, ít con, hạnh phúc, tiến bộ… Các vụ bạo lực gia đình được hầu hết được tổ hòa giải và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bon đưa ra góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư, sau khi bị xử lý và được hòa giải, góp ý phê bình đều không tái phạm. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã tuyên truyền và tiếp nhận cấp cho cơ sở trên 382 cuốn Văn bản Quản lý nhà nước về công tác gia đình; Kiến thức gia đình; hỏi đáp Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”; Luật bình đẳng gới. Lắp đặt 160 áp phích tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và công tác xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền trên 1.550 m2 panô, băng rôn về giáo dục đạo đức lối sống truyền thống của gia đình Việt Nam và công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện, xã về các tin, bài liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình…Tuyên truyền lồng ghép nội dung gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các Hội thi, hội diễn nhân kỷ niệm các ngày Quốc tế chống mọi phân biệt đối xử với phụ nữ 25/11; Ngày gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm; Chiếu phim phục vụ cơ sở; Thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình thu hút được đông đảo các quần chúng nhân dân tham gia. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt Hội phụ nữ, thì tác nhân gây bạo lực gia đình được giáo dục và đi đến nhận thức được rằng nạn bạo hành gia đình là vấn đề mang tính xã hội. Không nên coi đây là chuyện riêng tư của từng gia đình mà đó là vấn nạn bức xúc của xã hội.
Vì thế, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Bên cạnh đó, rất cần những mái nhà chung, những địa chỉ tin cậy để giúp người bị BLGĐ tìm đến lánh nạn và được khuyên nhủ tư vấn. Riêng đối với nạn nhân bạo lực gia đình cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, với các lực lượng, đoàn thể xã hội để giải quyết vấn nạn xã hội này. Bên cạnh đó chị em cũng cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, đặc biệt kiến thức gia đình, làm đẹp bản thân và nuôi dạy con cái. Chú ý đến kiến thức pháp luật, tìm hiểu Luật phòng chống bạo lực gia đình. Khi bị bạo hành không nên nín nhịn, bưng bít mà cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể để can thiệp kịp thời.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình góp phần chuyển đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và người dân từ đó từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc. /.