Di tích lịch sử Bia Henri Maitre, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức (được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 1923/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 12 năm 2008).

Dấu tích Bia Henri Maitre phản ánh tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Tây Nguyên; phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào dân tộc Đăk Nông dưới sự lãnh đạo mưu lược dũng mãnh của vị anh hùng dân tộc N’Trang Lơng; phản ánh lịch sử đấu tranh anh dũng của đồng bào M’Nông, đồng thời phản ánh sự thất bại của chủ nghĩa thực dân trong việc mở rộng bộ máy xâm lược vào vùng đất Nam Tây Nguyên lúc bấy giờ; có giá trị lịch sử cao cả và chân thực góp phần giáo dục truyền thống đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường của dân tộc ta trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nếu phát huy được Bia Henri Maitre làm điểm tham quan, tạo thành một quần thể thống nhất được tôn tạo sẽ tôn thêm giá trị lịch sử đối với Di tích Quốc gia Một số địa điểm di tích lịch sử tiêu biểu trong công cuộc đấu trang chống Pháp của đồng bào M’Nông do N’trang Lơng lãnh đạo (1912 – 1935). Gắn kết giữa du lịch về nguồn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Bia Henri Maitre nằm sát trên tỉnh lộ 1, gần ngã ba Đồn Biên phòng Tuy Đức, xã Đăk Buk so, huyện Tuy Đức. Toàn bộ diện tích di tích đang nằm trong quỹ đất quốc phòng (gần Đồn Biên phòng Tuy Đức) và đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại cột trụ (chất liệu xi măng + cốt thép) cao khoảng 3m, đường kính khoảng 25cm, màu nâu sẫm, dựng trên bệ có ốp sứ men màu xanh, trắng. Bệ có hình ngôi sao ba cánh; viền bệ đã bị phá mất một phần phía Tây, gốm ốp mặt đã bị tróc gần hết, trên mặt bia còn dòng chữ: “…tre” và “…881 – 1914” màu trắng, kích thước chữ 500, hướng ra lộ trình liên huyện. Qua tra cứu sử liệu địa phương và một số tài liệu khác có liên quan tới Henri Maitre, chúng ta có thể kết luận: chữ “…tre” là phần cuối của chữ Henri Maitre đã bị mất phần đầu (Henri Mai…) còn “…881 – 1914” là năm sinh (1881) và năm mất (1914) của Maitre. Do Bia Henri Maitre nằm trên cao so với mặt đường khoảng 3m, lâu ngày do mưa nắng, đất sạt lỡ ăn vào mặt trước di tích chỉ còn hơn 1 mét, bên trái còn hơn 4 mét, phía mặt sau và bên phải cách gần 6 mét là đường dân sinh. Hiện chưa có tường rào, khuôn viên, bờ kè bảo vệ.
Tài liệu nghiên cứu về Bia Henri Maitre rất ít. Trải qua thời gian dài (Pháp xây dựng năm 1946), dấu tích không còn nguyên vẹn, đã bị hư hỏng nặng. Do đó, phương án trùng tu di tích là hết sức khó khăn, nhất là việc trùng tu phải đảm bảo giữ nguyên yếu tố gốc của di tích.
Công tác quản lý nhà nước đối với di tích tại Điều 7, Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND, ngày 03/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông quy định đối với các di tích cấp tỉnh và di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích căn cứ tình hình thực tế tổ chức thành lập mới (hoặc thành lập lại) các mô hình quản lý di tích theo hướng bố trí kiêm nhiệm, không tăng thêm biên chế, tự trang trải kinh phí. Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp tham gia quản lý cùng các địa phương; Theo điều 32, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa năm 2009 thì khu vực bảo vệ I (các yếu tố cấu thành di tích) phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian; Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II (là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu bảo vệ I) đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời gian tới Phòng Văn hóa và Thông tin kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Đăk Buk So tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và xây dựng hệ thống hành lang bảo vệ Bia theo đúng Quyết định số 1923/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 12 năm 2008). Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp hướng dẫn xã Đăk Buk So xây dựng phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, đề xuất UBND huyện có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để huyện có cơ sở tiến hành phương án xây dựng công trình bảo vệ, đảm bảo việc xây dựng công trình này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích theo quy định./.