Ngày 29/4/2022, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc đến các Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện để triển khai Văn bản hướng dẫn số 3131/NHCS-TDSV ngày 27/04/2022 về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID–19; thực hiện Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trên cơ sở tập huấn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Đức triển khai vay vốn đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng cho mỗi cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng cho mỗi trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục
Theo đó, Chính phủ quyết định nguồn vốn cho vay tối đa 1.400 tỷ đồng. Đối tượng vay vốn là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, gồm: Nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục; nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục; trường tiểu học tư thục theo quy định của pháp luật.
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện:
– Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
– Phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 ít nhất 1 tháng tính đến thời điểm vay vốn;
– Có phương án vay vốn để phục hồi, duy trì hoạt động và được NHCSXH thẩm định;
– Tại thời điểm đề nghị vay vốn, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước thời điểm ngày 23/1/2020.
NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp đối với khách hàng vay vốn với Mục đích sử dụng vốn vay để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.
Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng cho mỗi cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng cho mỗi trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Mức cho vay cụ thể do ngân hàng xác định dựa trên phương án vay vốn. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng với lãi suất 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn. Khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay đến 100 triệu đồng. Trên mức 100 triệu đồng, khách hàng phải thực hiện đảm bảo tiền vay theo quy định của ngân hàng.
Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay.
Tại huyện Tuy Đức, thực hiện Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2671/UBND-KT ngày 23/5/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy Đức – tỉnh Đăk Nông đã tổ chức ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho khách hàng đầu tiên được thụ hưởng chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ đối với cơ sở giáo dục mầm non nhóm trẻ tư thục Bé Yêu xã Đắk Buk So.
Được biết, thời gian qua, để nội dung chương trình tín dụng chính sách cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện tiến hành lập danh sách, khảo sát thực tế nhu cầu, tình hình vay vốn của các nhóm trẻ, cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn huyện. Theo đó, căn cứ theo nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục tư thục, trong đợt 1 này, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã ký hợp đồng cho vay đối với cơ sở giáo dục nhóm trẻ tư thục Bé Yêu xã Đắk Buk So, với mức cho vay 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 36 tháng với lãi suất cho vay 3,3%/ năm.

Tại buổi ký kết, chủ cơ sở giáo dục mầm non tư thục Bé Yêu đã cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đối với các doanh nghiệp giáo dục tại địa phương nói chung và cơ sở giáo dục Bé Yêu nói riêng, giúp cơ sở có thêm điều kiện, nguồn lực để vực dậy sau đại dịch Covid-19. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay, nhóm trẻ tư thục Bé Yêu sẽ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi cơ sở sau ảnh hưởng của dịch; đầu tư thêm trang thiết bị vui chơi, dạy và học cho trẻ giúp trẻ có một môi trường vừa học vừa chơi thân thiện, an toàn. Như vậy, việc triển khai Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, là một chương trình tín dụng chính sách xã hội mang tính nhân văn cao, qua đó, chung tay cùng xã hội thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ những mầm xanh tương lai của đất nước trong điều kiện tốt nhất./.