Vượt qua những khó khăn do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, nguồn lực trong dân hạn chế, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, huyện Tuy Đức – Đăk Nông đã nỗ lực tìm hướng đi riêng, từng bước thay đổi nhận thức, khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng, tạo động lực xây dựng nông thôn mới (NTM) tại vùng biên giới.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, thực tế đã khẳng định đây là chương trình thúc đẩy nông thôn của huyện biên giới phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nông thôn Tuy Đức đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.

Cảnh quan trung tâm huyện Tuy Đức
Là địa bàn biên giới nên đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện vẫn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46,45%, hộ cận nghèo 10,13%. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 6/6 xã đã hoàn thành tiêu chí Quy hoạch; 100% xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm thường xuyên, 83% số xã đạt tiêu chí về y tế, 67% số xã đạt tiêu chí về Quốc phòng và An ninh và 100% số xã đạt tiêu chí về Giáo dục; mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã trong đó 67% số xã hoàn thành tiêu chí về điện 30% chưa đạt đảm bảo an toàn về điện, 100% số thôn, bon, bản có điện; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm; tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 3 – 4%. Toàn huyện đã cứng hóa được trên 182,6km tuyến đường đường giao thông nông thôn gồm các tuyến đường trục xã, đường trục thôn, bon, đường làng ngõ xóm; san ủi, nâng cấp, sửa chữa gần 72 km đường đất đi vào khu sản xuất, qua đó giúp người dân đi lại thuận tiện, tạo đà cho sản xuất phát triển. Trong đó: đường xã đã cứng hóa được 60,75km, chiếm 32,18%; đường thôn, bon, xóm cứng hóa được 269,84km/500km, chiếm 53,96%. Đường nội đồng 21km, chủ yếu là đường cấp phối. Đối với công tác Thủy lợi huyện đã xây dựng, nâng cấp và sửa chữa được 21 công trình hồ, đập thủy lợi có quy mô vừa và nhỏ đạt 83% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi; kiên cố hóa trên 12,5km tuyến kênh mương tưới tiêu, đầu tư xây dựng mới 9 cây cầu bê tông cốt thép, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong các tháng mùa mưa.

Về cơ sở vật chất trường học từng bước xây dựng theo chuẩn và xã hội hoá. Trong giai đoạn qua, đã xây thêm mới 12 trường học thuộc các cấp học; xây dựng bổ sung 38 phòng học mầm non, 24 phòng học cho tiểu học, 17 phòng học cho THCS, 4 phòng học cho THPT. Tính đến nay toàn huyện có 38 trường học, tăng 12 trường so với 10 năm qua. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng cao. Tỷ lệ học sinh lên lớp năm sau nhiều hơn năm trước đến nay tiêu chí về giáo dục đã đạt được 100%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Lấy dân làm chủ thể, người dân được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nông thôn mới, từ đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân và đồng thuận, hưởng ứng tích cực, tạo ra nguồn lực to lớn hoàn thành mục tiêu của chương trình.
Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Sản xuất nông nghiệp ổn định theo đúng chủ trương tái cơ cấu ngành. Chủng loại nông sản ngày càng đa dạng phong phú, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy tăng nhanh, theo thống kê của huyện Tuy Đức năm 2018 giá trị sản xuất nông lâm nghiệp huyện chiếm 78,72%, công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 7,71% và dịch vụ là 13,57%.Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân trên 9,2%/năm. Hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm tại các vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu tập trung trên địa bàn các xã Quảng Tân, Quảng Tâm, Đăk Rtih, Đăk Buk So; vùng sản xuất điều trên địa bàn xã Đăk Ngo, Quảng Tân và phía nam xã Quảng Trực; vùng sản xuất rau xanh tại xã Quảng Tâm, Đăk Buk So; vùng sản xuất mắc ca tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đăk Buk So và các vùng sản xuất khác như khoai lang, lúa nước và chăn nuôi bò thịt…doanh thu bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 20 – 30 triệu đồng/năm so với năm 2010 thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình.

Khoai lang nhật Bản

Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển. Địa phương đang từng bước phát triển các hoạt động du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên; đã phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trên các lĩnh vực công tác ở cấp xã và thôn, bon, bản. Qua một thập kỷ xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Biên giới là một quá trình xây dựng của địa phương, đây cũng kết quả của sự đồng thuận nhất trí cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thành quả nông thôn mới tại Tuy Đức nói riêng và cả nước nói chung là minh chứng rõ nét nhất khẳng định một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, gắn với lợi ích thiết thân của đại bộ phận nhân dân, làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn

Là một địa phương được thụ hưởng chính sách 135 cho nên tính tự giác, tự chủ của người dân còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, cấp ủy và chính quyền địa phương xác định rất rõ vai trò của công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng NTM là mấu chốt của vấn đề. “Cùng với việc lựa chọn nhân tố, bám sát cơ sở, được sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh, các đơn vị đóng chân trên địa bàn Tuy Đức đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện NTM một cách chi tiết, với tinh thần dễ làm trước, khó làm sau, gắn tuyên truyền với sản phẩm đầu ra cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân”. Với cách làm đó, từ năm 2010 đến 2020, huyện Tuy Đức đã huy động được khoảng 1.986 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn Trung ương đầu tư trực tiếp cho chương trình là hơn 784 tỷ đồng. Vốn của tỉnh hơn 167 tỷ đồng, vốn địa phương 319 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 150 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân và các doanh nghiệp hơn 17 tỷ đồng để xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã huy động được sự đóng góp của Nhân dân bằng tiền, tài sản, ngày công với giá trị rất lớn để hoàn thành các tiêu chí NTM khác nhau.
Tuy Đức có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hạ tầng kinh tế, xã hội còn hạn chế đang đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng NTM theo Đề án của huyện đã đề ra. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, huyện phải phát huy tối đa nội lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn. Đặc biệt là các tiêu chí cần nhiều vốn như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và nhà ở dân cư. Vì vậy, dù triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM cùng thời gian với nhiều địa phương khác, nhưng đến nay, Tuy Đức mới đạt được được bình quân 9,5/19 tiêu chí NTM. Trong đó xã Quảng Tân, Đăk Bk So, Quảng Trực đạt 11 tiêu chí, Quảng Tâm 7 tiêu chí, Đăk Ngo 7 tiêu chí, Đăk Tih 10 tiêu chí, Các tiêu chí đã đạt được gồm. Quy hoạch; lao động có việc làm thường xuyên, 83% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 67% số xã hoàn thành tiêu chí về điện, 83% số xã đạt tiêu chí về y tế, 67% số xã đạt tiêu chí về Quốc phòng và An ninh và 100% số xã đạt tiêu chí về Giáo dục; song mục tiêu đặt ra là tới năm 2025 phải giảm hộ nghèo xuống dưới 5 – 6%/năm. Có ít nhất 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Các xã còn lại đạt bình quân từ 12 tiêu chí/xã trở lên, không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 90%. Tỷ lệ hộ được sử điện đạt 100%. Các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, cơ bản đảm bảo hoàn thành theo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM đối với huyện biên giới là một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và ủng hộ của người dân. Trong đó, không chỉ là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội mà các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí theo đặc thù, điều kiện thực tế vùng cao, biên giới rút ngắn khoảng cách từ thành thị với nông thôn và làm cho người dân được thụ hưởng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.