Thứ Ba, 10/09/2024 15:44:00 GMT+7
Diễn đàn nâng cao giải pháp nâng cao chất lượng giá trị ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Nông
Lượt xem: 83
Ngày 10/9/2024 tại Trung tâm chính trị huyện Tuy Đức, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Tuy Đức tổ chức Diễn đàn nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng giá trị ngành hàng cà phê”.
Quang cảnh diễn đàn
Về phía Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông có ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN-PTNT. Về phía huyện Tuy Đức có ông Trần Vĩnh Phú - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN-PTNT phát biểu tại diễn đàn
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, cà phê là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông; tính đến năm 2024, Đắk Nông có khoảng 142.059ha cà phê, sản lượng 360.027 tấn, cà phê được trồng hầu hết trên địa bàn các huyện, TP. Gia Nghĩa. Để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, tỉnh Đắk Nông đã hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil quy mô 335ha. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã tái canh 27.980ha cà phê, đạt 21,11% tổng diện tích cà phê của toàn tỉnh. Tỉnh Đắk Nông có gần 23.500ha đạt các tiêu chuẩn: 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... với sản lượng trên 82.000 tấn/năm; sản xuất cà phê đặc sản 225ha, sản lượng đạt 251 tấn. Các doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực sơ chế, chế biến cà phê nhân xô xuất khẩu 99,9%, chế biến khoảng 400 tấn/năm cà phê bột. Tuy nhiên, giá trị cà phê Đắk Nông chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đồng chí Trần Vĩnh Phú – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện
phát biểu tại diễn đàn
Tại diễn đàn các vấn đề về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê đã được đại biểu đưa ra thảo luận, trong đó tập trung vào những hạn chế trong quá trình sản xuất, sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế biến, tiêu thụ cà phê; sản xuất cà phê không gây mất rừng. Các giải pháp phát triển cà phê bền vững, các tiêu chuẩn áp dụng, hiệu quả từ đơn vị quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, HTX đến người sản xuất cà phê thông qua các báo cáo tham luận. Cũng tại diễn đàn rất nhiều câu hỏi của nông dân như: phát triển mô hình sản xuất cà phê hữu cơ như thế nào; huyện Tuy Đức đang có nhiều diện tích cà phê nghi sản xuất trên đất rừng, việc cấm hàng hóa có nguồn gốc từ phá rừng thì nông dân phải làm gì; việc cây che bóng như thế nào cho đúng; mua giống cà phê chất lượng cao ở đâu, ai tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê cho người dân; làm sao để nông dân đạt chứng nhận, việc thu hoạch cà phê như thế nào để bảo đảm chất lượng vì cà phê ra hoa nhiều đợt...
Phát biểu tại diễn đàn ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông thông tin thêm: Đắk Nông có thể trồng nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng cà phê vẫn là cây trồng gắn bó với người dân. Sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động của thị trường nhưng người nông dân vẫn "chung thủy" với cây cà phê. Cà phê Đắk Nông có liên quan đến khoảng 70.000 hộ dân. Giá trị ngành hàng cà phê khoảng 300.000 tỷ đồng đang cao nhất so với các loại cây trồng khác tại địa phương cộng lại. Việc nâng cao chất lượng giá trị ngành hàng cà phê có ý nghĩa rất lớn và tác động lớn đến người dân Đắk Nông.
Qua diễn đàn lần này, ngành Nông nghiệp sẽ đánh giá lại thực trạng phát triển cà phê của tỉnh và phân tích những khó khăn, thách thức từ sản xuất, đến tiêu thụ cà phê hiện nay. Từ đó, đưa ra các giải pháp thay đổi cách thức tổ chức sản xuất cà phê phù hợp với định hướng và yêu cầu của thị trường tiêu thụ; đồng thời giúp nông hộ sản xuất có kiến thức, tư duy mới về tổ chức sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững hơn./.
Hồng Hoa