Thứ Tư, 31/07/2024 14:47:00 GMT+7
Nhiều hộ dân tự nguyện trả lại đất tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm trước ngày tổ chức cưỡng chế
Lượt xem: 374
Nhằm lập lại trật tự trong quản lý đất đai, khôi phục hiện trạng đất Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm bị lấn chiếm, bảo đảm quyền quản lý, sử dụng đất của Nhà nước, các quy định của pháp luật.
Trước khi tiến hành các đợt cưỡng chế, UBND huyện Tuy Đức tổ chức đối thoại với các hộ dân vi phạm; cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; không nghe theo lời xúi giục của phần tử xấu lôi kéo, kích động; chủ động thực hiện việc tháo dỡ, di dời tài sản và trả lại đất đã lấn chiếm cho Nhà nước. Huyện Tuy Đức đã giải quyết đơn thư, kiến nghị và phản ánh của người dân liên quan tới đất khu vực này theo quy định của pháp luật; đồng thời tiến hành củng cố hồ sơ, thủ tục để cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện cưỡng chế trường hợp không chấp hành. Theo đó đã có nhiều hộ dân hiểu và tự nguyện chấp hành trao trả lại đất đã lấn chiếm cho Nhà nước.
Đơn cử vào ngày 21/7/2024 trong quá trình vận động, hộ ông N.V.K (lấn chiếm khoảng 2.500 m2) đã tự nguyện tháo dỡ, di dời tài sản ra khỏi khu vực đất lấn chiếm. Hay vào chiều 29/7/2024 trước khi tiến hành cưỡng chế theo Quyết định số 1012/QĐ-CCXP ngày 07/06/2024 của UBND huyện Tuy Đức về việc cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì hộ ông H.Q.D đã tự nguyện trao trả diện tích 944 m2 đất lấn chiếm cho Nhà nước. Trước ngày tổ chức cưỡng chế đợt 3 đã có 07 hộ tự nguyện di dời tài sản và trả lại đất đã lấn chiếm cho Nhà nước với diện tích hơn 4 ha. Đối với các trường hợp này chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ di dời tài sản cho người dân.
Như chúng tôi đã thông tin từ trước, Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm có diện tích gần 35 ha, được UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận thuê từ đầu năm 2012. Quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp chậm trễ triển khai và buông lỏng quản lý đất đai. Phần lớn diện tích dự án đã bị người dân chiếm để xây dựng nhà cửa, trồng các loại cây trồng. Thống kê trên diện tích đất này có 53 trường hợp người dân lấn, chiếm trái phép với diện tích hơn 32 ha. Các đối tượng lấn, chiếm đất để làm nhà ở, kinh doanh và trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, bơ…./.
Phóng viên