Thứ Tư, 29/05/2024 10:53:00 GMT+7
Bia Henri Maitre, di tích lịch sử cấp tỉnh Bia Henri Maitre.
Lượt xem: 709
Dấu tích cột bia đá tên thực dân pháp" Henri Maitre" , di tích lịch sử cấp tỉnh Bia Henri Maitre.
Sáng ngày 5 tháng 8 năm 1914 Henri Maitre với sự bảo vệ của 8 binh lính người Rađê và 1 lính hầu người Việt, đã tiếp các thủ lĩnh nghĩa quân. Các vũ khí đều được dựng thành đống ở góc nhà. Bất ngờ, tù trưởng N'Trang Lơng tiến lại gần đâm một mũi dao vào bụng Henri Maitre, đồng thời, các tù trưởng khác là R'Dinh, R'Ong, Bơ Ning, Bơ Rơi cũng đâm sau lưng hắn và reo lên khắp nhà
tiếng hô “Lơh! Lơh!” (Giết! Giết!) .
Các nghĩa quân bên ngoài cũng nhanh chóng ập vào, tiêu diệt nhanh chóng số binh lính theo hộ vệ cho Henri Maitre.
Năm 1941 (27 năm sau), Trường Viễn đông Bác cổ tại Hà Nội đã đồng ý với bản thiết kế của J. Y Claeys để xây dựng cột bia đá Henri Maitre tại khu vực Ngã ba Biên giới - nay là Đồn 9, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Chân đế của cột bia đá này có 3 cạnh hướng về 3 phía: Cambodia – Nam bộ Cochinchine – Trung bộ Annam. (xem hình vẽ).
Ngày 26/01/1943, Toàn quyền Đông Dương là Jean Decoux đã cho khánh thành cột bia đá Henri Maitre này tại vùng Ngã 3 Biên giới.
Dấu tích cột bia đá Henri Maitre phản ánh tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Tây Nguyên; phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào dân tộc M'nông dưới sự lãnh đạo mưu lược dũng mãnh của vị anh hùng dân tộc N’Trang Lơng; phản ánh lịch sử đấu tranh anh dũng của đồng bào M’Nông, đồng thời phản ánh sự thất bại của chủ nghĩa thực dân trong việc mở rộng bộ máy xâm lược vào vùng đất Nam Tây Nguyên lúc bấy giờ; có giá trị lịch sử cao cả và chân thực góp phần giáo dục truyền thống đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường của dân tộc ta trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 24/12/2008, Dấu tích cột bia đá Henri Maitre được Công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, theo Quyết định số 1923/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông./.