Với mục đích không chỉ thắp lửa đam mê cho lớp trẻ mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là đơn vị đầu tiên của huyện Tuy Đức đưa hoạt động này vào chương trình giảng dạy năm học 2024-2025.
Các nghệ nhân ưu tú xã Đắk Búk So giảng dạy đánh cồng chiêng
cho học sinh trường TH&THCS Lý Tự Trọng
Theo đó, tại chương trình đội nghệ nhân ưu tú của xã Đắk Búk So đã giới thiệu và truyền dạy đến tập thể giáo viên và học sinh nhà trường về nhạc cụ và các cách đánh cồng chiêng; Biểu diễn các bài cồng chiêng.
Việc tổ chức buổi truyền dạy đánh cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, độc đáo của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Khẳng định vị thế, vai trò của không gian Văn hóa cồng chiêng là phi vật thể của nhân loại, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giúp giáo viên, học sinh được giao lưu, học hỏi, tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, qua đó giúp các em thêm yêu quý, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết thân ái giữa các dân tộc tại địa phương. Trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về đánh chiêng và diễn tấu cồng chiêng cho các em học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Phạm Thị Phượng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Chi bộ Văn hoá thông tin
Đồng thời đây cũng là thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Thị Phượng - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Tuy Đức tại buổi làm việc với Chi bộ Văn hoá thông tin ngày 18/10/2023 nêu rõ: “Nghiên cứu xây dựng Kế hoạch bảo tồn văn hóa cồng chiêng của Người M'Nông vào các trường học, nhằm lan tỏa văn hóa cồng chiêng đến học sinh trên địa bàn huyện. Khảo sát lựa chọn 3 trường (Trường PT DTNT THCS & THPT huyện Tuy Đức, Trường TH&THCS Lý Tự Trọng (Đắk Búk So) và Trường THCS Quang Trung (Đắk R’Tih) đưa văn hoá chồng chiêng vào giảng dạy tại trường học”.
Nhiều năm nay cồng chiêng được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc M'Nông ở Tuy Đức. Trong quá trình đưa cồng chiêng vào trường học, những nghệ nhân, già làng, người có uy tín sẽ cùng đồng hành truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp hoạt động bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng của nhà trường đi vào chiều sâu. Đặc biệt, hình thành sợi dây kết nối giữa trường học với cộng đồng. Trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa của mọi vùng miền và sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ. Điều này phần nào khiến thế hệ trẻ dần xa rời giá trị văn hoá truyền thống. Do vậy, vai trò của ngành giáo dục trong nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng cho học sinh rất quan trọng. Nhờ tham gia các hoạt động trong trường, số học sinh biết đánh cồng chiêng trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Đây là một trong những giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của nhân loại do chính các em học sinh, thế hệ tương lai là người tiếp nối và được trao truyền./.